Tiểu sử Át_Tất_Long

Át Tất Long nguyên quán Núi Trường Bạch, thân phụ là Hoàng Nghị công Ngạch Diệc Đô, có tổng 17 đứa con trai, và Át Tất Long là con trai thứ 16 của ông. Mẫu thân là Hòa Thạc công chúa Mục Khố Thạp, con gái của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Sau khi Ngạch Diệc Đô qua đời, vì có lệ kế tục hôn nhân mà Mục Khố Thạp lấy con trai thứ 8 của Ngạch Diệc Đô, tên Đồ Nhĩ Cách.

Năm Thiên Thông thứ 8 (1634), ông tập ấm tước vị Nhất đẳng Ngang bang Chương kinh (一等昂邦章京)[1][2] của phụ thân, giữ chức vụ Thị vệ. Phúc tấn của Bối lặc Ni Kham, con gái của Đồ Nhĩ Cách, cũng là cháu gái của Át Tất Long, vì không sinh được con trai mà lấy con của người khác rồi nói dối rằng là do mình sinh ra. Sự tình bị phát hiện, Át Tất Long bị liên lụy, đoạt tước. [3]

Năm Sùng Đức thứ 6 (1641), Át Tất Long đi theo Hoàng Thái Cực tiến đánh triều Minh, lập nhiều chiến công được ban thưởng trọng hậu.

Năm thứ 7 (1642), phụng mệnh Đại Tướng quân A Ba Thái xâm nhập Trường Thành, chiếm được Kế Châu, lại tiến vào Sơn Đông, đánh lấy Hạ Tân, lập công đầu phong chức Ngưu lục Chương kinh. [4]

Năm Thuận Trị thứ 2 (1645), Át Tất Long đi theo Thuận Thừa Quận vương Lặc Khắc Đức Hồn tiến đánh Vũ Xương chém chết Lý Cẩm, là cháu của Lý Tự Thành, chiếu theo quân công tấn phong Nhị đẳng Giáp lạt Chương kinh (二等甲喇章京)[5].

Năm thứ 5 (1648), kế thừa Nhị đẳng Công của anh trai là Đồ Nhĩ Cách sau khi ông ta qua đời, sửa thành Nhất đẳng Công. Cùng năm ấy, Át Tất Long nhậm chức Nghị chính đại thần, Lĩnh thị vệ Nội đại thần, gia hàm Thiếu phó kiêm Thái tử Thái phó, đứng vào hàng Nội đại thần xử lý triều chính.

Năm thứ 18 (1661), Thuận Trị Đế bệnh nặng qua đời, để lại di chiếu cho Hoàng tử thứ 3 là Huyền Diệp lên ngôi, tức Thanh Thánh Tổ Khang Hi Đế. Nhưng do tuổi còn nhỏ, nên Át Tất Long cùng với Sách Ni, Ngao BáiTô Khắc Tát Cáp làm Phụ chính đại thần (辅政大臣). [6]

Năm Khang Hi thứ 6 (1667), Khang Hi Đế chính thức thân chính, đặc phong Át Tất Long thêm một Nhất đẳng Công, tước Công trước kia do con trai là Pháp Khách thừa tập, lại thêm hàm Thái sư. Ông luôn tránh nộ khí của Ngao Bái, lại hùa theo hắn mà độc đoán chuyên quyền, nhiều lần tùy tiện tru sát đại thần. Át Tất Long thân là cố mệnh đại thần, không bao giờ phát biểu ý kiến, luôn co đầu rút cổ, theo thanh mà phụ hoạ.

Năm thứ 8 (1669), Hoàng đế trừng trị Ngao Bái, Át Tất Long vì là đồng đảng của Ngao Bái cũng bị giam vào ngục. Khang Thân vương Kiệt Thư chiếu theo mười hai hạng tội danh hạch hỏi Át Tất Long, bị xử vào tội chết.

Năm thứ 9 (1670), Hoàng đế niệm tình ông là Cố mệnh đại thần tuy bị tước hết chức tước, nhưng riêng tước Nhất đẳng công vẫn cho con thế tập. [7]

Năm thứ 12 (1673), Át Tất Long lâm trọng bệnh, Khang Hi Đế thân hành tới phủ viếng thăm. Ông qua đời vì bạo bệnh vào năm đó, thụy hiệuKhác Hy (恪僖). Khang Hi Đế ngự chế văn bia, làm mộ ca ngợi công đức. Không lâu sau, con gái ông trở thành Hoàng hậu, Át Tất Long vì là cha của Hoàng hậu mà được sắc lập từ đường theo quy cách ngoại thích, đồng thời Khang Hi Đế cũng đích thân ban ngự thư bảng. [8]

Liên quan